Thông tin mở đầu Ô Châu cận lục

Châu Ô là tên cũ của vùng đất từ đèo Lao Bảo đến lưu vực sông Thạch Hãn[4] ở phía nam tỉnh Quảng Trị. Châu Ô cùng với Châu Lý là vùng đất cũ của vương quốc Chăm Pa.

Năm 1306, vua Chăm Pa là Chế Mân sai sứ dâng chiếu cầu hôn công chúa Huyền Trân đến vua Trần Anh Tông của Đại Việt. Vua Trần bằng lòng gả công chúa Huyền Trân cho Chế Mân và nhận hai châu Ô và Lý mà Chế Mân đã dâng làm vật sính lễ. Nhà Trần đổi châu Ô làm Thuận Châu, và châu Lý làm Hoá Châu.

Đến thời Dương Văn An làm quan nhà Mạc, Châu Ô là phần phía nam của xứ Thuận Hóa. Tuy nhiên, mặc dù bộ sách mang tên Ô Châu nhưng nội dung trong sách bao quát toàn thể xứ Thuận Hóa, tức là khu vực các huyện phía nam tỉnh Quảng Trị và toàn tỉnh Thừa Thiên Huế ngày nay.

Theo lời tựa của ông viết đề ở đầu sách Ô Châu cận lục, thì năm Quý Sửu (1553), nhân khi về quê chịu tang, ông (lúc bấy giờ đang giữ chức Lại khoa Đô cấp sự trung, tước Sùng Nham bá) được đọc hai tập tài liệu của hai người đồng hương biên chép về hai phủ Tân Bình và Triệu Phong. Bởi ham thích, nên sau đó ông đã khảo cứu thêm, bổ sung và sửa chữa để làm ra sách ấy [5].